Huyện Nghĩa Hưng nằm ở phía Nam của tỉnh Nam Định, trên địa bàn huyện có nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua. Trong giai đoạn tới đây, huyện đang nỗ lực phấn đấu trở thành vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam tỉnh Nam Định.
Nhằm phấn đấu triển khai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ Đại hội đại biểu (ĐHĐB) Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, huyện Nghĩa Hưng đã và đang có những quy hoạch, đề án phương hướng phát triển phù hợp với địa phương. Vừa giúp tận dụng tối đa tiềm năng của khu vực, vừa góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội.
Quy hoạch huyện Nghĩa Hưng có 24 đơn vị hành chính gồm 21 xã và 3 thị trấn, với 12km đường biển, huyện được bao quanh bởi 3 con sông là sông Ninh Cơ, sông Đáy và sông Đào. Hệ thống giao thông trên địa bàn đang được đầu tư đồng bộ và mang tính kết nối. Thời gian qua huyện vẫn đang bám sát định hướng mà tỉnh đã đề ra, nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, phát huy sức mạnh nội tại, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư để tập trung phát triển kinh tế xã hội dựa theo quy mô liên vùng.
Huyện đang tích cực triển khai các công tác quy hoạch, trong đó có một số quy hoạch được phê duyệt và triển khai như: quy hoạch chung ĐT Rạng Đông đến năm 2040; quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; quy hoạch chung khu chức năng phía Nam ĐT Rạng Đông đến năm 2040…
Một góc phát triển của huyện Nghĩa Hưng nhìn từ trên cao
Huyện Nghĩa Hưng cũng tập trung xây dựng nghiên cứu và thực hiện quy hoạch chi tiết ĐT Rạng Đông và các khu chức năng ĐT Rạng Đông. Quy hoạch hai bên tuyến đường trục kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; quy hoạch hai bên kênh nối sông Đáy và sông Ninh Cơ, tuyến đường bộ ven biển, cầu nối sang tỉnh Ninh Bình và cầu Thịnh Long.
Tỉnh Nam Định đang đề xuất lên TW đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ ở vùng ven biển huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu, làm cơ sở để thu hút đầu tư. Trong tương lai khu vực này sẽ trở thành trung tâm kinh tế trên các lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, thương mại và cảng biển của vùng Nam ĐB sông Hồng. Phạm vi thực hiện quy hoạch Khu kinh tế Ninh Cơ, huyện Nghĩa Hưng bao gồm các xã, thị trấn: Nam Điền, Nghĩa Bình, Rạng Đông, Nghĩa Lợi, Phúc Thắng và toàn bộ vùng bãi bồi ven biển ở phía Nam huyện.
Dự án cầu vượt sông Đáy đoạn qua huyện Nghĩa Hưng
Huyện xác định rõ, phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở là chìa khóa then chốt để kêu gọi đầu tư và đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội. Thời gian qua địa phương quan tâm đầu tư vào hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó chú trọng đến hạ tầng giao thông. Với hàng loại các dự án trọng điểm có tính chiến lược, liên kết vùng được đầu tư như: cầu Thịnh Long, tuyến đường bộ ven biển, cầu vượt sông Đáy sang tỉnh Ninh Bình nằm trong dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng…
Là huyện ven biển nên giao thông đường thủy cũng được triển khai khai thác với dự án kênh nối Đáy – Ninh Cơ, có nhiệm vụ kết nối các tuyến vận tải ven biển phía Bắc với các cảng thủy ở sông Đáy đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định và Ninh Bình nơi cửa biển Lạch Giang. Hệ thống đường thủy có thể đáp ứng được tàu chở container với tải trọng lên tới 2000 tấn.
Bên cạnh hà tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng được huyện chú trọng đầu tư. Trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng có KCN Rạng Đông với quy mô 502,31ha đã được tỉnh Nam Định quy hoạch riêng nhằm thu hút đầu tư phát triển thành khu liên hiệp dệt may. Khu liên hiệp này có chuỗi quy trình khép kín bắt đầu từ khâu sản xuất sợi, dệt, đến nhuộm và hoàn tất nguyên phụ liệu ngành may, hoàn thiện sản phẩm theo công nghệ hiện đại tiên tiến và ít gây ảnh hưởng đến môi trường.
Hiện nay quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Rạng Đông cơ bản được hoàn thành, bàn giao mặt bằng “sạch” cho các nhà đầu tư thứ cấp tiến hành triển khai xây dựng dự án phát triển sản xuất và kinh doanh. KCN Rạng Đông thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư như Tập đoàn Toray của Nhật Bản; nhà đầu tư YU YUE, quốc tịch Hoa Kỳ; Tập đoàn Xuân Thiện với chuỗi 3 dự án sản xuất thép xanh tổng trị giá gần 100 nghìn tỷ đồng…
Ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Nghĩa Hưng cũng có những chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, ưu tiên phát triển theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, xây dựng đồng thời giảm tỷ trọng các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
KCN Dệt May Rạng Đông huyện Nghĩa Hưng, Nam Định
Nhằm đáp ứng nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng cho người dân, huyện Nghĩa Hưng phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, thương mại. Cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo quy mô “cánh đồng lớn”, chăn nuôi theo quy trình khép kín, sản xuất hữu cơ. Giảm tỷ trọng khai thác, tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi từ quảng canh sang tâm canh, siêu canh đạt chuẩn các tiêu chí VietGap.
Đẩy mạnh hoạt động đánh bắt xa bờ để bảo vệ chủ quyền biển đảo, chống khai thác bất hợp pháp, trái với quy định của pháp luật. Nhờ chỉ đạo và hướng đi đúng đắn, thu nhập bình quân của huyện Nghĩa Hưng năm 2023 ước đạt 67 triệu đồng/người/năm.
Huyện Nghĩa Hưng tiếp tục thu hút đầu tư, quy hoạch, đầu tư vào xây dựng hạ tầng cơ sở, hướng tới mục tiêu xây dựng huyện thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Nam Định.